Trong vòng xoáy của nhịp sống mới, có những làng nghề ở Hà Nội chỉ còn tồn tại trong thơ ca, nhạc hoạ và trong ký ức của người Hà Nội. Nhưng, cũng có những làng nghề truyền thống còn tồn tại và đang cố gắng tìm những lối đi mới. Làng gốm sứ Bát Tràng là một điển hình cho sự nhạy bén bắt kịp thị hiếu khách hàng hiện đại.
Đến thăm làng gốm sứ Bát Tràng hôm nay, khách hàng có thể nhận thấy rất rõ sự nhạy bén của những người thợ gốm, họ đã làm mới mình để hoà nhập vào cuộc sống hiện đại. Hiện nay, những sản phẩm như lọ hoa, ấm chén...của Bát Tràng được làm thủ công với những mẫu men cổ truyền như trắng, xanh tím, hoa văn thô sơ đã nhường chỗ cho những sản phẩm đẹp mang tính nghệ thuật cao, phong phú về chủng loại và đa dạng về kiểu dáng. Đến chợ gốm Bát Tràng, du khách không chỉ mua bán mà còn được người dân nơi đây giới thiệu công nghệ tinh xảo của sản phẩm làng gốm. Chợ gốm Bát Tràng còn là một điểm du lịch rất thu hút du khách, từ thanh thiếu niên cho đến khách nước ngoài, nhất là vào dịp cuối tuần. Đến đây du khách có thể thoả thích ngắm nhìn, sờ tận tay những sản phẩm gốm thuần Bát Tràng. Từ những loại bình lọ, bát... kiểu dáng và màu sắc đương đại đến những loại chén đĩa cổ được phục chế, các bộ tranh, tượng nghệ thuật từ chất liệu gốm. Không chỉ được tự do xem hàng, du khách còn được chủ hàng giới thiệu các công đoạn sản xuất của mẫu hàng, cách vẽ hoa văn, tô màu, phối màu men, đồng thời có thể tự tay nặn các sản phẩm cho mình, tự vẽ hoa văn trang trí theo ý thích. Chị Hoàng Thu Hương, một chủ hàng cho biết: “Các hộ gia đình đưa sản phẩm ra chợ gốm mục đích chính là giới thiệu sản phẩm truyền thống tới khách thập phương, không đặt yếu tố kinh doanh lên hàng đầu”.
Có lẽ cũng chính vì thế, chợ gốm đã đưa du khách gần gũi hơn với sản phẩm gốm và người thợ. Các sản phẩm của bà con đưa ra chợ gốm đều có chất lượng cao, giá cả hợp lý. Hầu hết họ đều mong muốn các sản phẩm của mình sẽ được du khách yêu thích và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Không những vậy, đến Bát Tràng, du khách bất ngờ khi thấy những mặt hàng như cốc tình yêu, hộp hình trái tim, những quả cầu được trang trí ngộ nghĩnh, đến những chiếc thắt lưng, vòng cổ, vòng tay... được làm từ gốm. Có lẽ những nghệ nhân xưa không bao giờ nghĩ chúng sẽ xuất hiện trên kệ hàng của mình, nhưng chúng lại là những sản phẩm thu hút đông đảo du khách, nhất là giới trẻ. Không chỉ đa dạng các sản phẩm, du khách đến đây còn được xả stress với các trò ném đồ sứ hỏng, hay dạo quanh làng trên xe trâu...
>>>> Kinh nghiệm tham qua du lịch làng gốm Bát Tràng
Giờ đây, gốm sứ Bát Tràng không những đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước mà còn nổi tiếng ở thị trường nước ngoài. Sản phẩm của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... Sự phát triển của làng gốm Bát Tràng còn giải quyết được vấn đề thất nghiệp, tình trạng thiếu việc làm. Hơn 80% người dân trong làng sinh sống bằng nghề sản xuất gốm sứ. Sự phát triển sản xuất nhanh chóng tại đây không chỉ tạo đủ việc làm cho người dân địa phương mà còn thu hút khoảng 3.000 - 5.000 lao động ở những khu vực lân cận đến làm việc với mức lương 3.000.000 - 4.000.000 đồng/tháng.
Rõ ràng thương hiệu gốm Bát Tràng đã khẳng định vị thế và tiềm năng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Với đôi tay khéo léo của nguời thợ và công nghệ hiện đại, những sản phẩm gốm Bát Tràng chất lượng cao mang đậm giá trị nghệ thuật và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước...
>>> Xem kinh nghiệm du lịch Bát Tràng của người đi trước thế nào.