Vuốt nặn vẽ, sản phẩm du lịch độc đáo của làng gốm sứ Bát Tràng

Khi đến thăm làng nghề cổ Bát Tràng có từ nhiều thế kỷ nay. Không chỉ tìm hiểu về nghề, du khách còn có thể trực tiếp làm gốm để tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Người Bát Tràng tận tình và hiếu khách đã tạo một không gian văn hóa du lịch hấp dẫn du khách đến từ mọi miền đất nước…
se-duoc-tu-tay-lam-mot-san-pham-gom-su
 
Xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tiếng là vùng ngoại thành nhưng xã chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng mười cây số. Từ trung tâm thủ đô, khách đi cầu Long Biên hoặc Chương Dương qua sông Hồng rồi đi trên con đê dọc theo bờ sông được tráng bê tông hơn nửa tiếng là đến nơi. Làng nghề cổ nằm bên đường đê, ngoài kia là bến sông Bát - một đoạn sông Hồng đi qua làng cổ này.
Gốm Bát Tràng là nghề truyền thống của xã, được lưu truyền nhiều đời từ khoảng thế kỷ 14-15. Từ xưa, gốm Bát Tràng đã nổi tiếng và được sử dụng trong hoàng cung, là sản vật để nạp cống cho các quốc gia lớn. Giờ đây, Bát Tràng đã thay đổi nhiều nhưng người dân địa phương vẫn gìn giữ nghề của cha ông.

>>>> Rất nhiều Gốm sứ Bát Tràng được bầy bán tại đây

Bước vào đầu làng, người ta gặp những quầy hàng bày bán đủ loại sản phẩm được sản xuất tại chỗ. Qua hết dãy cửa hàng đó là chợ gốm, quy tụ các lò gốm trong làng ra trưng bày, mua bán gốm. Đi sâu vào một chút là vô số những lò gốm. Lò gốm được đặt tại nhà. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có lò gốm. Lò nào cũng dành một không gian nho nhỏ làm sân chơi gốm cho khách. Trước đây, đến Bát Tràng, khách chỉ tham quan, đứng nhìn nghệ nhân làm. Khách đến ngày một đông, ai cũng tò mò muốn biết nghề nên một số chủ lò bèn mở dịch vụ cho khách làm thử. Từ đó, nhà nhà ăn nên làm ra nhờ dịch vụ này bên cạnh việc sản xuất gốm phân phối đi khắp mọi miền đất nước.

se-duoc-tu-tay-lam-mot-san-pham-gom-su

Khách vào "chơi gốm" được chủ lò phát cho một cục đất sét và hướng dẫn tỉ mỉ cách tạo hình dáng sản phẩm trên bàn xoay. Quan trọng là phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn. Một tay quay bàn, một tay "vuốt gốm" để tạo hình sản phẩm. Thông thường, khách chỉ làm những món đơn giản nhất là ly, chén, lọ cắm hoa. Ai nấy cũng học nghề rất nhanh và làm cho mình những sản phẩm đầu tay. Khách chơi gốm thoải mái, cho đến khi nào chán thì thôi. Giá một lần làm chỉ 10.000 đồng - rất "mềm" so với nhiều dịch vụ khác. Nếu muốn mang sản phẩm về, chủ lò sẽ đốt lò để nung sơ sản phẩm, cho đất khô lại. Sau đó, khách trang trí hoa văn bằng màu tùy ý. Giá của các công đoạn này chỉ 30.000 đồng.
Người Bát Tràng rất hiếu khách, đối đãi rất nhiệt tình. Trong khi chờ nung gốm, chủ lò gốm thường mời khách nước trà, thuốc lào và trò chuyện vui vẻ. Nghệ nhân làng nghề Bát Tràng rất say nghề. Phụ nữ, đàn ông, thanh niên trong làng đều thuần thục nghề của cha ông. Dù lớn lên và đi học ở thủ đô, nhưng những người trẻ trong làng vẫn quay về nhà vào cuối tuần phụ giúp gia đình làm gốm. Thanh niên trong làng rất năng động. Tiếp xúc với du khách trẻ, họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch thuần thục. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất truyền thống nghề, họ hiểu rất rõ về nghề gốm nên thuyết minh rất rõ ràng, tạo sự thích thú cho du khách. Không ít người lập facebook để giới thiệu về nghề của làng và sân chơi gốm của gia đình cho du khách. Hình của khách đến chơi gốm đều được đăng tải trên facebook tạo một kênh quảng bá cho hình ảnh làng nghề, đưa nghề gốm vượt khỏi cổng làng. Có rất đông du khách trẻ tới đây. Không chỉ du khách từ phương xa mà ngay cả người dân thủ đô cũng đến Bát Tràng vào cuối tuần để tìm hiểu nghề truyền thống và chơi gốm thỏa thích.
Mất vài giờ nghịch ngợm với cục đất sét vô tri, sau khi có sản phẩm đầu tay thú vị, khách rời lò gốm, theo chủ lò ra đình làng để tham quan. Đó là ngôi đình cổ, mái cong vút nằm quay mặt ra sông Hồng. Đoạn sông trước đình làng được gọi là sông Bát. Đứng ở sân đình, không gian khá yên tĩnh. Đình làng được xây dựng cách đây gần 300 năm, theo kiểu chữ nhị đặc trưng của đình chùa xứ Kinh Bắc. Đình được tôn tạo nhiều nhưng vẫn giữ nguyên không gian, kiến trúc cổ xưa: Phía trong là hậu cung gồm 3 gian; phía ngoài là tòa đại bái gồm 5 gian và 2 chái. Gian thờ trong tòa đại bái được bài trí trang trọng. Những hàng cột gỗ lim vững chãi tạo một không gian thờ uy nghi. Trong đình hiện còn giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng qua các đời vua, chúa. Năm 2005, đình được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng Di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật.
Khi đến Bát Tràng, ai cũng đến đình để tham quan, chiêm bái. Những người trông coi đình rất nhiệt tình. Chỉ cần gọi điện theo số điện thoại treo trên cửa, bất cứ giờ nào khách cũng được tiếp đón ân cần. Một điều rất hay là không chỉ người trông đình mà rất nhiều người trong làng đều có thể thuyết minh rành mạch về làng và đình làng. Tuyệt nhiên không hề có chuyện vòi vĩnh, "xin tiền" sau khi hướng dẫn. Bát Tràng là một điểm đến thú vị của nghề truyền thống.
 

Bình luận trao đổi

Xin mời nhập văn bản có dấu để rõ nghĩa.

 
 
   
 
 

Bài viết khác

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Hằng (Kinh Doanh)

Hotline Bán hàng (Kinh doanh)

Scroll