Làng Gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nơi tập trung rất nhiều các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất gốm sứ.
Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát (鉢) là bát ăn của nhà sư (tiếng Phạn là Patra), chữ Tràng (場, còn đọc là Trường) nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo các cụ già trong làng kể lại, chữ Bát bên trái là bộ "Kim-金" ví với sự giàu có, "本-bản" có nghĩa là cội nguồn, nguồn gốc. Dùng chữ Bát như vậy để khuyên răn con cháu "có nghề có nghiệp thì cũng không được quên gốc". Hiện nay, tại các đình, đền và chùa ở Bát Tràng đều vẫn còn các chữ Bát Tràng được viết bằng chữ Hán là 鉢場.
Theo sử biên niên có thể xem thế kỷ 14-15 là thời gian hình thành làng gốm Bát Tràng.
Đại Việt sử ký toàn thư chép "Nhâm Thìn, Thiệu Phong năm thú 12 (1352)... mùa thu, tháng 7, nước lớn tràn ngập, vỡ đê xã Bát, Khối, lúa má chìm ngập. Khoái Châu, Hồng Châu và Thuận An bị hại nhất". Xã Bát là xã Bát Tràng, xã Khối là xã Thổ Khối, hai xã ven đê bên tả ngạn sông Nhị, tức sông Hồng ngày nay.[2] Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì năm 1376, trong một cuộc Nam chinh, đoàn chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông xuất phát từ Thăng Long xuôi theo sông Nhị (sông Hồng) đi qua "bến sông xã Bát" tức bến sông Hồng thuộc xã Bát Tràng.
Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén" và còn có đoạn "Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Huê Câu thuộc huyện Văn Giang. Hai làng ấy cung ứng đồ cống cho Trung Quốc là 70 bộ bát đĩa, 200 tấm vải thâm"...
( Một xưởng làm gốm Bát Tràng )
Nhưng theo những câu chuyện thu thập được ở Bát Tràng thì làng gốm này có thể ra đời sớm hơn. Tại Bát Tràng đến nay vẫn lưu truyền những huyền thoại về nguồn gốc của nghề gốm như sau:
Vào thời nhà Lý, có ba vị Thái học sinh là Hứa Vinh Kiều (hay Cảo), Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú (hay Lưu Vĩnh Phong) được cử đi sứ Bắc Tống. Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu (Quảng Đông) (hiện nay tại Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được một số kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng quê hương. Hứa Vĩnh Kiều truyền cho Bát Tràng nước men rạn trắng. Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nước men sắc màu vàng đỏ. Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nước men màu đỏ màu vàng thẫm. Câu chuyện trên cũng được lưu truyền ở Thổ Hà và Phù Lãng với ít nhiều sai biệt về tình tiết. Nếu đúng vậy, nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời nhà Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127.
Theo ký ức và tục lệ dân gian thì trong số các dòng họ ở Bát Tràng, có dòng họ Nguyễn Ninh Tràng. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Ninh Tràng là họ Nguyễn ở trường Vĩnh Ninh, một lò gốm ở Thanh Hoá, nhưng chưa có tư liệu xác nhận. Gia phả một số dòng họ ở Bát Tràng như họ Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng tổ tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây (Bồ Bát là Bồ Xuyên và Bạch Bát). Vào thời Hậu Lê khoảng cuối thế kỉ thứ 14 - đầu thế kỉ 15 và đầu thời Nguyễn, xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoá Ngoại. Ngày nay, Bồ Xuyên và Bạch Bát là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, vùng này có loại đất sét trắng rất thích hợp với nghề làm gốm. Theo truyền thuyết và gia phả một số họ như họ Vũ ở Bồ Xuyên, ngày xưa cư dân Bồ Bát chuyên làm nghề gốm từ lâu đời. Điều này được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc tìm thấy nhiều nơi ở vùng này.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Do nhu cầu phát triển của kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh.
Đến nay, chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào xác nhận tiểu sử của ba nhân vật trên cũng như khẳng định sự hình thành của làng. Những công trình khai quật khảo cổ học trong tương lai có thể cho thấy rõ hơn bề dày lịch sử và những di tích của làng gốm Bát Tràng. Chỉ có điều chắc chắn là gốm Bát Tràng xuất hiện từ rất sớm, vào giai đoạn cuối của Văn hoá Hoà Bình đầu Văn hoá Bắc Sơn. Trong quá trình phát triển nghề gốm, đương nhiện có nhiều quan hệ giao lưu với gốm sứ Trung Quốc và có tiếp nhận một số ảnh hưởng của gốm sứ Trung Quốc.
Thế kỉ 15–16
>>>>Một chiếc đỉnh bằng gốm tráng men trang trí đắp nổi rồng và nghê do thợ làng Bát Tràng chế tạo vào năm 1736, thời Cảnh Hưng.
Chính sách của nhà Mạc đối với công thương nghiệp trong thời gian này là cởi mở, không chủ trương "ức thương" như trước nên kinh tế hàng hoá có điều kiện phát triển thuận lợi hơn; nhờ đó, sản phẩm gốm Bát Tràng được lưu thông rộng rãi. Gốm Bát Tràng thời Mạc có nhiều sản phẩm có minh văn ghi rõ năm chế tạo, tên người đặt hàng và người sản xuất. Qua những minh văn này cho thấy người đặt hàng bao gồm cả một số quan chức cao cấp và quý tộc nhà Mạc như công chúa Phúc Tràng, phò mã Ngạn quận công, Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn, Mĩ quốc công phu nhân... Người đặt hàng trải ra trên một không gian rộng lớn bao gồm nhiều phủ huyện vùng đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ.
Thế kỉ 16–17
Sau những phát kiến địa lí cuối thế kỉ 15, nhiều nước phát triển của Tây Âu tràn sang phương Đông. Các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... thành lập công ty, xây dựng căn cứ ở phương Đông để buôn bán. Hoạt động mậu dịch hàng hải khu vực Đông Nam Á vốn có lịch sử lâu đời càng trở nên sôi động, lôi cuốn các nước trong khu vực vào hệ thống buôn bán châu Á và với thị trường thế giới đang hình thành.
Sau khi thành lập, nhà Minh (Trung Quốc) chủ trương cấm tư nhân buôn bán với nước ngoài làm cho việc xuất khẩu gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc bị hạn chế đã tạo điều kiện cho đồ gốm Bát Tràng mở rộng thị trường ở vùng Đông Nam Á. Khi nhà Minh (Trung Quốc) bãi bỏ chính sách bế quan toả cảng (1567) nhưng vẫn cấm xuất khẩu một số nguyên liệu và mặt hàng quan trọng sang Nhật Bản, đã tạo cho quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Nhật Bản đặc biệt phát triển, qua đó nhiều đồ gốm Bát Tràng được nhập cảng vào Nhật Bản.
Năm 1644 nhà Thanh (Trung Quốc) tái lập lại chính sách cấm vượt biển buôn bán với nước ngoài, cho đến năm 1684 sau khi giải phóng Đài Loan. Trong thời gian đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có đồ gốm Bát Tràng không bị hàng Trung Quốc cạnh tranh nên lại có điều kiện phát triển mạnh.
Thế kỉ 15–17 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gốm xuất khẩu Việt Nam, trong đó ở phía bắc có hai trung tâm quan trọng và nổi tiếng là Bát Tràng và Chu Đậu-Mỹ Xá (các xã Minh Tân, Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Lúc bấy giờ, Thăng Long (Hà Nội) và Phố Hiến (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) là hai đô thị lớn nhất và cũng là hại trung tâm mậu dịch đối ngoại thịnh đạt nhất của Đàng Ngoài. Bát Tràng có may mắn và thuận lợi lớn là nằm bên bờ sông Nhị (sông Hồng) ở khoảng giữa Thăng Long và Phố Hiến, trên đường thuỷ nối liền hai đô thị này và là cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài. Qua thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây, đồ gốm Việt Nam được bán sang Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á, Nam Á.
Các công ty phương Tây, nhất là Công ty Đông Ấn của Hà Lan, trong phương thức buôn bán "từ Ấn Độ (phương Đông) sang Ấn Độ", đã mua nhiều đồ gốm Việt Nam bán sang thị trường Đông Nam Á và Nhật Bản.
Cuối thế kỉ 17& đầu thế kỉ 18
Việc xuất khẩu và buôn bán đồ gốm Việt Nam ở Đông Nam Á bị giảm sút nhanh chóng vì sau khi Đài Loan được giải phóng (1684) và triều Thanh bãi bỏ chính sách cấm vượt biển buôn bán với nước ngoài. Từ đó, gốm sứ chất lượng cao của Trung Quốc tràn xuống thị trường Đông Nam Á và đồ gốm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh. Nhật Bản, sau một thời gian đóng cửa để bảo vệ các nguyên liệu quý như bạc, đồng, đã đẩy mạnh được sự phát triển các ngành kinh tế trong nước như tơ lụa, đường, gốm sứ... mà trước đây phải mua sản phẩm của nước ngoài.
Thế kỉ 18–19
Tượng nghê bằng gốm do thợ gốm làng Bát Tràng làm thời Cảnh Hưng.
Một số nước phương Tây đi vào cuộc cách mạng công nghiệp với những hàng hoá mới cần thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tình hình kinh tế đó cùng với chính sách hạn chế ngoại thương của các chính quyền Trịnh, Nguyễn trong thế kỉ 18 và của nhà Nguyễn trong thế kỉ 19 đã làm cho quan hệ mậu dịch đối ngoại của Việt Nam sa sút và việc xuất khẩu đồ gốm cũng bị suy giảm. Đó là lí do khiến một số làng nghề gốm bị gián đoạn sản xuất (như làng gốm Chu Đậu-Mỹ Xá). Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có một thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội từ quý tộc đến dân thường. Trong giai đoạn này, gốm Bát Tràng xuất khẩu giảm sút, nhưng làng gốm Bát Tràng vẫn là một trung tâm sản xuất gốm truyền thống có tiếng trong nước.
Thế kỉ 19 đến nay
Tượng hổ bằng gốm do thợ gốm làng Bát Tràng làm thời Cảnh Hưng.
Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường.
Sau Chiến tranh Đông Dương (1945–1954), năm 1957, 10 cá nhân là địa chủ, con địa chủ của thôn Giang Cao(sau cải cách ruộng đất năm 1955) góp vốn thành lập công ty gốm Trường Thịnh, để sản xuất gốm sứ dân dụng phục vụ xã hội, đây là nền tảng khởi đầu cho Xí nghiệp sứ Bát Tràng. Năm 1958 nhà nước làm công tư hợp doanh, chuyển đổi công ty gốm Trường Thịnh thành Xí nghiệp sứ Bát Tràng, thuê công nhân thôn Bát Tràng vào làm việc. Với cơ sở vật chất đầy đủ, nhân công Bát Tràng được thử nghiệm, thực hành, sáng tạo trên cơ sở sự chịu khó, cần cù đã tạo nên được một thế hệ có tay nghề gốm vững chãi. Cùng lúc đó một số hợp tác xã như Hợp Thành (1962), đóng ở phần đất gần với xã Đa Tốn, Hưng Hà (1977), Hợp Lực (1978), Thống Nhất (1982), Ánh Hồng (1984) và Liên hiệp ngành gốm sứ (1984)Xí nghiệp X51, X54 (1988)... Các cơ sở sản xuất trên cung cấp hàng tiêu dùng trong nước, một số hàng mĩ nghệ và một số hàng xuất khẩu. Những nghệ nhân nổi tiếng như của Bát Tràng như Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam... đào tạo được nhiều thợ gốm trẻ cung cấp cho các lò gốm mới mở ở các tỉnh.
Sau năm 1986 làng gốm Bát Tràng có sự chuyển biến lớn theo hướng kinh tế thị trường. Các hợp tác xã lần lượt giải thể hoặc chuyển thành công ty cổ phần, những công ty lớn được thành lập nhưng vẫn còn tồn tại nhiều tổ sản xuất và phổ biến là những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Xã Bát Tràng nay đã trở thành một trung tâm gốm lớn.
>>>> Kinh nghiệm tham qua du lịch làng gốm Bát Tràng
Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
>>>>> Chính hiệu Bát Tràng chỉ bán tại Website Gốm sứ Bát Tràng