Trước đây, Bát Tràng vào đám từ ngày 15 đến ngày 22 tháng hai âm lịch.
Nay đã được rút gọn, thường chỉ diễn ra vào hai ngày 14, 15 tháng hai âm lịch. Trước Tết, vào ngày 25 tháng Chạp, làng đem lễ vật đến làng Đuốc (làng kết chạ với Bát Tràng) xin chặt tre làm cây nêu. Ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây tre làm nêu được dùng để chẻ tăm, vót đũa. Trước khi vào đám độ 10 ngày, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng để bao sái bài vị thần ở ngôi miếu bên sông. Sau đó dân làng rước bài vị thần ra đình tế lễ. Khi tế, các họ được rước Tổ của mình ra phối hưởng. Họ Nguyễn Ninh Tràng (họ đầu tiên đến làng Bát Tràng) được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Khi tế, chỉ có các vị khoa mục (những người đỗ đạt) mới được vào đình, còn các hào mục (những chức dịch trong làng) đứng ngoài hầu lễ. Bát Tràng còn lệ giữ nghiêm ngôi thứ. Tại đình trải 4 chiếu cạp điều. Có chiếu dành cho các vị đậu tiến sĩ, có chiếu dành cho võ quan được phong tước công, có chiếu dành cho các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Có năm không đủ người, chiếu nào trống thì làng đặt một cây đèn, chai rượu, đĩa trầu cau vào giữa chiếu để thờ vọng. Hằng năm vào ngày Rằm tháng hai, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ cúng Thành hoàng gồm một con trâu tơ thật béo, thui vàng rồi đặt lên một chiếc bàn lớn sơn son, kèm theo 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Tế xong, các quan viên chức sắc, đại diện 20 dòng họ cùng thụ lộc[2]. Hội Bát Tràng có nhiều trò diễn, độc đáo nhất là trò chơi cờ người và hát thờ. Theo lệ, trước hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình.
>>> Xem kinh nghiệm du lịch Bát Tràng của người đi trước thế nào.