Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường.
Sau Chiến tranh Đông Dương (1945–1954), năm 1957, 10 cá nhân là địa chủ, con địa chủ của thôn Bát Tràng(sau cải cách ruộng đất năm 1955) góp vốn thành lập công ty gốm Trường Thịnh, để sản xuất gốm sứ dân dụng phục vụ xã hội, đây là nền tảng khởi đầu cho Xí nghiệp sứ Bát Tràng. Năm 1958 nhà nước làm công tư hợp doanh, chuyển đổi công ty gốm Trường Thịnh thành Xí nghiệp sứ Bát Tràng, thuê công nhân thôn Bát Tràng vào làm việc. Với cơ sở vật chất đầy đủ, nhân công Bát Tràng được thử nghiệm, thực hành, sáng tạo trên cơ sở sự chịu khó, cần cù đã tạo nên được một thế hệ có tay nghề gốm vững chãi. Cùng lúc đó một số hợp tác xã như Hợp Thành (1962), đóng ở phần đất gần với xã Đa Tốn, Hưng Hà (1977), Hợp Lực (1978), Thống Nhất (1982), Ánh Hồng (1984) và Liên hiệp ngành gốm sứ (1984)Xí nghiệp X51, X54 (1988)... Các cơ sở sản xuất trên cung cấp hàng tiêu dùng trong nước, một số hàng mĩ nghệ và một số hàng xuất khẩu. Những nghệ nhân nổi tiếng như của Bát Tràng như Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam... đào tạo được nhiều thợ gốm trẻ cung cấp cho các lò gốm mới mở ở các tỉnh.
Sau năm 1986 làng gốm Bát Tràng có sự chuyển biến lớn theo hướng kinh tế thị trường. Các hợp tác xã lần lượt giải thể hoặc chuyển thành công ty cổ phần, những công ty lớn được thành lập nhưng vẫn còn tồn tại nhiều tổ sản xuất và phổ biến là những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Xã Bát Tràng nay đã trở thành một trung tâm gốm lớn.
Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
>>>> Kinh nghiệm tham qua du lịch làng gốm Bát Tràng