Người giữ gìn tinh hoa của gốm Bát Tràng

Tới Văn Miếu những ngày này, người xem như được ngược dòng thời gian về nhiều thế kỷ trước qua 1.000 sản phẩm gốm giả cổ của nghệ nhân Trần Độ. Đây cũng là món quà của một người con làng nghề dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

tran-do-nghe-nhanh-lang-gom-bat-trang-6

Mọi người gọi ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của gốm Bát Tràng đương đại, hay vua men gốm Bát Tràng nhưng những danh xưng có lẽ không đủ sức nặng bằng những sản phẩm do ông sáng tạo ra được giới thiệu tại triển lãm “Hồi cố và thể nghiệm” đang diễn ra. Gốm Trần Độ hội tụ các tinh hoa của gốm Bát Tràng, vừa mang tính dân tộc, vừa có sự cách tân, đổi mới.
Trong các tác phẩm của ông, có thể thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như: Gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều màu thời Hậu Lê - Nguyễn, gốm men rạn... Tại triển lãm, có nhiều sản phẩm như các loại ấm rượu, ché, cặp choé, các mẫu thạp chạm khắc, bình gốm hoa lam thời Mạc, các loại chân đèn, lư hương… mang hồn của Bát Tràng xưa, mang hơi thở của truyền thống gốm sứ Việt.
 
nghe-nhan-tran-do
Nghệ nhân Trần Độ với viên gạch cổ Bát Tràng (gạch bát)
 
Bên cạnh những mẫu gốm tạo dáng và trang trí kế thừa truyền thống tác phẩm của nghệ nhân Trần Độ còn trở nên đặc sắc với những màu men mới như màu men chảy, màu thuý lam, màu men đỏ… Một trong những tác phẩm tiêu biểu của triển lãm lần này là tượng “cụ rùa Hồ Gươm” là món quà độc đáo mà Trần Độ đã dành nhiều tâm sức thể hiện, tạo một món quà nghệ thuật quý chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Nói về nghệ nhân Trần Độ, ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiết lộ: “Trần Độ chọn cho mình một lối đi riêng, không hề đơn giản: Tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ. Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có được trên 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới 12 công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen...

Men nâu là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, ông đã tái phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, choé, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các màu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ xưa, chất men giản dị và thanh thoát. Và trong số nghệ nhân tên tuổi ở làng Bát Tràng, người đã làm ra nhiều tác phẩm gốm được chọn làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ nước ta, cũng chính là nghệ nhân Trần Độ”.
 
Trong 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004 phải kể tới một chiếc bình rượu cổ triều Mạc có chất lượng và dáng vẻ tuyệt đẹp. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
 
Đó là một chiếc đỉnh triều Nguyễn được tặng cho Tổng thống Mỹ, một đôi bình thời Trần có hình ảnh vợ chồng Thủ tướng Canada, chiếc bình tặng Thủ tướng Nhật Bản... Những “món đồ đất có hồn” của Trần Độ cũng đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Canada làm quà cho các chính khách nước sở tại. “Đó không chỉ là niềm tự hào gốm truyền thống Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất…”.

10 tuổi, Trần Độ đã bước vào thế giới của gốm. Ông chia sẻ: “Thời điểm ấy, bàn tay non nớt của một đứa trẻ phải giã từ những trò chơi cùng chúng bạn đồng trang lứa, tôi không có tham vọng trở thành một nghệ nhân gốm như bây giờ”. Thế nhưng, sự kì diệu không báo trước và mối lương duyên tiền định đã chọn Trần Độ là người đại diện khơi nguồn cho hồn gốm cổ.
 
Với tài năng thiên bẩm, sự tinh tế và đồng cảm tuyệt vời cộng với một trái tim đầy rung cảm nghệ thuật, Trần Độ sớm nhận thấy và lĩnh hội được những tinh tuý mà cha ông đã ngàn năm đúc kết. Với Trần Độ, nghề gốm không phải là con đường mưu cầu những danh lợi vật chất mà chỉ là sự thoả mãn khát vọng vực dậy dòng gốm cổ đang chìm dần vì sự “đè nén” của dòng gốm thương mại đang tung hoành.
 
tran-do-nghe-nhanh-lang-gom-bat-trang-5
 
Những giải thưởng, bằng khen không làm ông bằng lòng mà trái lại trở thành động lực thôi thúc ông khát khao hướng tới một nghệ thuật đích thực. Để có được thành công từ bí quyết của việc phục chế các màu men cổ có lẽ nghệ nhân là người hiểu hơn ai hết những thất bại đã trải qua.
 
Ông tâm sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần tới thăm cơ sở sản xuất của tôi đã căn dặn, động viên tôi phải nghiên cứu, tìm tòi, khôi phục giữ gìn được kho tàng gốm cổ, nhất là trong bối cảnh “chảy máu” cổ vật hiện nay” càng làm cho tôi thêm quyết tâm. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long lập nghiệp.
 
Bát Tràng tuy là ngoại thành nhưng là một dải đất quý của Thăng Long, nơi đây mang một thứ mà nội đô không có ấy là thứ đất sét trắng làm nên những sản phẩm chất chứa hồn cốt bao đời của văn hoá Thăng Long. Bởi lẽ đó mà không có lí gì người con Bát Tràng như tôi lại không làm gì đó để phát huy cái báu vật trời cho ấy để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống tổ tiên.
 

Bình luận trao đổi

Xin mời nhập văn bản có dấu để rõ nghĩa.

 
 
   
 
 

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Hằng (Kinh Doanh)

Hotline Bán hàng (Kinh doanh)

Scroll