Việc Phạm Anh Đạo được công nhận là nghệ nhân trẻ nhất làng khiến ai cũng phục. Những tiêu chí dành cho nghệ nhân như trình độ nghề, độ khéo tay, thâm niên làm nghề và có khả năng lan tỏa nghề đều hội tụ ở người đàn ông “đặc biệt” này. Anh Đạo là một trong số ít những người tâm huyết với việc gìn giữ những nét tinh hoa của làng gốm cổ Bát Tràng.
Nói về Phạm Anh Đạo – người khuyết tật được công nhận nghệ nhân trẻ nhất, ông Phạm Huy Khôi - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng - cứ tấm tắc: “Xã có 18 nghệ nhân thì Đạo trẻ nhất! Đạo đã biết vươn lên từ những thiệt thòi cá nhân và là tấm gương sáng cho nhiều người học tập”. Xưởng chế tác của Phạm Anh Đạo ở xóm 2, Bát Tràng (huyện Gia Lâm, HN) khiêm nhường chỉ là dãy nhà cấp bốn. Nhưng điều đặc biệt là hầu hết sản phẩm chỉ mang tính đơn chiếc và... không có bất cứ công nhân nào. Điều này đã phần nào nói lên tâm mà người nghệ nhân bỏ ra để mỗi sản phẩm ra lò mang một sắc thái riêng.
Ông Phạm Ngọc Huy - bố Đạo của - kể, ngày sinh ra Đạo và người anh em song sinh Phạm Anh Đức chỉ nặng 3,3kg, bằng một bé sơ sinh bình thường. Đạo lớn lên, không nghe và cũng chẳng nói được như những đứa trẻ bình thường cho mãi đến năm lên 7 tuổi. Việc cắp sách với Đạo cũng chật vật, mãi năm 14 tuổi vẫn không vượt qua nổi lớp 6, cứ phải học cùng các em ít tuổi hơn. Năm 17 tuổi, khi bố làm GĐ Xí nghiệp sứ Bát Tràng, Đạo đã xin làm công nhân. Chính môi trường này đã nảy sinh trong Đạo những năng khiếu về nghệ thuật làm xua tan nghi ngờ về ông con giám đốc bị “ngớ ngẩn”. Chưa đầy một năm, Đạo đã làm được các việc khó mà chỉ có thợ bậc cao mới làm được.
Rồi xí nghiệp của bố cũng chẳng thể giữ được chân Đạo. Đạo xin nghỉ việc ra mở xưởng riêng khi mà nghề gốm đang thịnh. Cái độc đáo của Đạo là ở chỗ trong khi những lò “hàng xóm” mỗi mẻ cho ra hàng nghìn sản phẩm đều tăm tắp thì lò của Đạo chỉ vài trăm cái, mà chả cái nào giống cái nào.
Hằng ngày, Đạo vẫn chăm chút sản phẩm của mình, cứ vừa vuốt xong, lại vặn ngoéo cho sản phẩm méo chỗ này, lõm chỗ khác. Rồi nước men cũng “chẳng giống ai”, cứ loang lổ chỗ có, chỗ không. Gia đình và bà con trong làng nhìn sản phẩm gốm kỳ cục đó lấy làm lo, làm thế có mà bán cho “ma Tây” à? Ấy thế mà sản phẩm của Đạo bán được cho Tây thật. Mẻ sản phẩm đầu tiên ra lò, loáng cái đã bán hết veo. Mà khách hàng nhiều nhất lại là những người Nhật Bản. Đến giờ, cả gia đình và hàng xóm đã hiểu ra, từ những chiều bỏ học lang thang hết làng trên xóm dưới, Đạo đã quan sát, học lỏm được những tinh hoa của nghề.
Thành công trong cuộc sống đã giúp Đạo mày mò phỏng theo gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm men lam, men rạn tưởng như thất truyền. Đến năm 2010 – kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, xưởng của Đạo đã làm được một việc mà nhiều thế hệ nghệ nhân Bát Tràng ao ước, đó là vuốt tay và cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục, mỗi chiếc nặng 5 tạ, cao 1,95m, đường kính gần 1,2m với nước men rạn theo lối giả cổ. Với sản phẩm này, Đạo đã chính thức được công nhận là nghệ nhân làng nghề trẻ nhất Bát Tràng, ở tuổi 35.